Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
BÀI TRUYỀN THÔNG TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC GIÁM SÁT, PHÒNG CHỐNG CÚM GIA CẦM LÂY SANG NGƯỜI

Kính thưa toàn thể nhân dân!

Theo thông tin từ Bộ y tế, ngày 22/02/2023 Campuchia ghi nhận 02 ca Cúm A (H5N1) trên người và có 01 trường hợp tử vong. Trước đó ngày 05/10/2022, tại tỉnh Phú Thọ cũng ghi nhận 01 ca cúm A (H5N1) đầu tiên kể từ năm 2014 đến nay. Qua đó cho thấy luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Bệnh cúm gia cầm lây sang người A(H5N1) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút cúm A(H5N1) gây ra. Bệnh lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm bệnh, chết do nhiễm cúm A(H5N1), ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ.

Bệnh có biểu hiện: sốt, ho, mệt mỏi, đau người, đau cơ, đau họng. Bệnh diễn biến nhanh và có thể dẫn đến tử vong, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh cho người.

Để chủ động ngăn chặn bệnh Cúm gia cầm xâm nhập vào địa phương và lây nhiễm sang người, Trung tâm Y tế huyện Quảng Xương  khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Không ăn tiết canh gia cầm, gia súc hoặc động vật hoang dã;

- Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

- Khi phát hiện gia cầm bệnh, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn để được hướng dẫn xử lý đúng chuyên môn.

- Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm bệnh, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi.

- Nuôi gia cầm xa nơi ở và vệ sinh chuồng trại 1 lần/ tuần với vôi bột hoặc phun dung dịch Cloramin B. Không nên tiếp xúc với gia cầm khi không cần thiết. (Không có gì bảo đảm gia cầm nào là an toàn khi chưa qua kiểm dịch nên không được chủ quan).

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, hạn chế đưa tay lên mặt.

- Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.